Tôi vẫn thường nghe nhiều bạn làm nails trẻ già hay sồn sồn than phiền về thu nhập của mình không được như ý. Theo tôi tuỳ theo tiệm có khách nhiều hay ít khách, số lượng thợ trong tiệm mà thu nhập của mỗi thợ nails có được trong tháng như thế nào. Nghề nào cũng có sự cạnh tranh nhưng nghề nails đặc biệt có sự cạnh tranh khốc liệt để tìm khách. Một thời các tiệm thi nhau giảm giá đến mức nói trắng ra là phá giá so với các tiệm chung quanh. Phá giá là một chuyện nhưng sự phục vụ khách hàng tận tình mới là cốt lõi để duy trì lượng khách gắn bó với mình.
Đúng là cách nay hai mươi năm khi tôi bước chân ra làm thợ. Tôi làm cho một tiệm ở Shreveport, Louisianna. Khi đó tôi chưa lập gia đình nên đi làm xa nhà một chút không vấn đề gì. Khách vào làm một bộ móng tay chân phải chi ra từ 40 đến 50 đô. Sau khi trừ ăn chia với chủ, người thợ còn lại kha khá. Một tháng thợ nails như tôi kiếm sáu bảy ngàn là chuyện bình thường. Một thời gian sau vài năm, từ thợ làm trong tiệm tôi sang lại chính căn tiệm đó. Lý do: Chị chủ của tôi chia tay với người chồng ham mê cờ bạc, di chuyển sang tiểu bang khác làm lại cuộc đời.
Mấy năm làm trong tiệm, tôi học được cách phục vụ khách hàng của chị chủ, lúc nào chị cũng niềm nở với mọi người, dù khách hay thợ làm, phân chia công việc cho thợ một cách công minh. Nói đến chuyện công bằng và minh bạch làm tôi nhớ đến một vị khách nữ mà tôi không thể nào quên. Bà nguyên là cựu quân nhân từng sang Việt Nam tham chiến với quân hàm đại uý phục vụ cho cục tâm lý chiến. Sau khi làm bộ móng tươm tất sáng sủa với màu sơn mới, bà thanh toán tiền công. Bà chủ đang lo thử mấy bộ ghế spa mới mua về nên tôi ra quầy tính tiền. Tôi nói với vị khách xin 20 chục. Bà khách móc bóc lấy ra tờ 20 rồi lấy thêm tờ 1 đô trả tổng cộng 21 đô. Tôi cứ nghĩ chắc bả cho tiền tip 1 đồng, nên vẫn làm phiếu tính tiền là 20 đô. Bà khách nhìn hoá đơn, nói rằng 21 đô chứ không phải 20 đô. Còn tôi lại nói, tiệm chỉ tính 20 theo giá biểu. Nói qua nói lại một hồi bà khách xoè hai bàn tay cho tôi xem rồi nói: “Cô xem hai bàn tay tôi có mấy ngón?”. Lúc này tôi mới nhận ta bàn tay trái của bà có thêm một ngón nhỏ cạnh ngón út mà nảy giờ tôi làm móng mà không để ý. Đoạn bà nói thêm: “Tổng cộng hai bàn chân và hai bàn tay tôi có đến 21 ngón. Vì vậy tôi trả thêm 1 đô là hợp lý. Có thêm một ngón thì công cán, thuốc sơn cũng phải tính thành tiền phải không cô?”. Đến đây tôi mới thực sự chưng hửng vì cách nghĩ của bà. Sau khi thanh toán tiền làm móng, bà lấy ra thêm 10 đồng tiếp tip cho tôi với lời cảm ơn thêm lời giải thích: “Tôi cũng là khách thường xuyên của tiệm cách đây bảy tám năm, khi ấy tôi phải trả đến 40 đô. Bây giờ tiệm nào cũng giảm giá, thu nhập của người thợ giảm, trong khi khách hàng như tôi thì được lợi hơn”.
Câu chuyện của vị khách lạ lùng này khiến tôi suy nghĩ mãi. Không biết văn hoá Mỹ như thế nào về vấn đề tiền bạc. Tôi nghe nhiều người nói rằng người Mỹ rất rõ ràng và sòng phẳng cho đến từng xu. Nhưng thôi, dẫu sao công bằng vẫn luôn là cách hành xử tốt trong cuộc sống cho dù đó là vấn đề tiền bạc hay quyền lợi cá nhân hoặc xã hội.
Tina Trịnh
(Houston, TX)