Nails phải có gì đặc biệt nên Trẻ mới để riêng một mục gọi là ” Thế giới nails, trong khi có biết bao ngành nghề khác.
Đây là nghề ” tay chân” giống như ” thủ công nghệ”. Nghề tay chân nhưng chỉ cần 2 tay, thiếu 2 chân cũng không sao.
Làm nails không cần biết chữ, chỉ cần biết dũa. Trong tiệm nails, khi nghe một đứa bỏ việc, người ta nói” xách dũa đi rồi”. Dân trí thức xách cặp, còn dân nails xách dũa.
Đi làm nails không cần biết chữ( nếu làm chui, không có bằng), quí vị có tin là tui đã từng gặp một anh chàng ” thợ chiến” nails, hổng biết chữ. Lúc đầu khi ký tên chỉ đánh dấu thập(+), sau đó anh ta ráng tập viết được ngoằn ngoèo chữ Tu( bởi anh tên Tư).
Đi làm nails, không lo bị check credit, lái xe có điểm DUI chủ cũng không care.
Như vậy đi làm nails dễ hơn đi làm hãng. Có điều chả có chủ nails nào mua bảo hiểm sức khoẻ cho thợ( rất hiếm). Vậy nếu có chồng( hay vợ) đi làm có bảo hiểm cho cả nhà, thì công việc nails( tóc) thuận tiện cho người có con nhỏ, kiếm tiệm làm gần nhà, vẫn có thể đưa đón con đi học, giờ giấc uyển chuyển cho từng cá nhân, chứ không cứng ngắc như đi làm ở văn phòng hay hãng xưởng.
Không bằng cấp, không chuyên môn, đi làm ở tiểu bang nào cũng chỉ kiếm được việc trả lương tối thiểu, sau khi trừ thuế, tiền cầm về không bao nhiêu. Trái lại thợ nails giỏi, ở nơi nhiều khách( sộp) ráng cày, kiếm 1 hay 2 ngàn/ tuần là chuyện bình thường. Còn làm chủ một tiệm có cỡ 10 thợ, thì lương kỹ sư( dở), bác sĩ( dỏm) không so được đâu.
Thời ” quần nâu áo vải” ngày xưa ở xứ mình, bây giờ đã đi vào quá khứ. Ông Nguyễn Bính năn nỉ: van em em hãy giữ nguyên quê mùa.
Lý do năn nỉ người yêu ” giữ nguyên quê mùa”, chỉ vì Thầy U mình với chúng mình chân quê! Thiệt là lãng xẹt. Hổng lẽ ông bà già quê mùa rồi mình cũng ” quê 1 cục” theo, xưa rồi, bỏ đi Tám!
Bây giờ các cô ở dưới quê cũng môi son má phấn, móng tay đỏ chót. Ngành nails nhờ vậy phát triển rầm rộ, lan tràn khắp nơi trên thế giới, dẫn theo kỹ nghệ sản xuất các sản phẩm dùng cho thợ: bàn ghế bồn ngâm chân, thuốc, móng, kềm, dũa…
Tóm lại ngành nails tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người. Ấy thế mà khi mới qua, bà chị dâu muốn đi học nails, ông anh nghe được hoảng hồn năn nỉ: đừng, đừng…
Năn nỉ không được thì dùng áp lực, dùng quyền hành bắt bả đi làm assembly cùng hãng với ổng. Mới qua Mỹ chân ướt chân ráo mà sao ổng có thành kiến dữ vậy? Từ từ ổng mới gom mọi tin tức ( xấu) cho dân nails kể rằng:
-Thợ nails làm quá nhiều giờ( đúng). Đa số tiệm mở 12 tiếng/ ngày, thợ làm từ lúc mở cửa tới lúc đóng cửa. Có tiệm mở 7 ngày/ tuần. Nhiều thợ chịu cày làm đủ 7 ngày, không lo được cơm nước cho chồng con.
– Thợ nails có quá nhiều dân ” bát nháo”, nói năng bặm trợn. Nhiều người bắt chước về bắt nạt chồng.
Còn một chuyện ông anh tôi ” chụp mũ” cho dân nails: thay vợ đổi chồng như thay áo.
Gần mực thì đen, để tránh hậu họa, ông anh tôi không cho bà vợ đi làm nails.
Bắt bà chị dâu làm cùng hãng cho yên tâm lúc nào cũng thấy mặt. Đi làm về có người ” hầu” cơm bưng nước rót.
Nghe mà ngứa lỗ tai!
Tức mình, tui phản pháo, anh đừng có mà ” vơ đũa cả nắm”. Bụng đói thì đầu gối phải bò. Hay dở là tự mình, bỏ nhau chỗ nào cũng có, chẳng phải chỉ có dân nails.
Muốn làm ít giờ thì cứ hỏi chủ, kiếm ít đi, có sao đâu.Người ta nói bậy chửi thề, mình cứ ăn nói đàng hoàng nghiêm chỉnh. Đâu phải” cá mè một lứa, cá đối bằng đầu” mà ai cũng như ai.
Biết bao người nuôi con ăn học, nhà cao cửa rộng cũng nhờ nails.
Người xấu chứ nghề không xấu.
Thiếu gì người có bằng đại học, vẫn bỏ việc mở tiệm nails, kiếm tiền gấp mấy lương ” ba cọc ba đồng”.
Thiếu gì người nuôi con ăn học thành Bác Sĩ, Kỹ Sư, ở nhà đẹp, lái xe xịn cũng nhờ đi làm nails.
Chẳng có nghề nào xấu. Qua xứ người phải ” nhập gia tùy tục” thôi, phải không quí vị.
Lại thị Mơ ( New Jersey).